Bộ xây dựng thừa nhận yếu kém trong quản lý đô thị

Thứ ba, 05/06/2012, 19:16 GMT+7

 

 

  Đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử CP hôm nay, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận việc yếu kém trong quản lý đô thị, để tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án BĐS, hạ tầng không đồng bộ, dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ…

 

  Đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử CP hôm nay, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận việc yếu kém trong quản lý đô thị, để tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án BĐS, hạ tầng không đồng bộ, dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ…

Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến với người dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.     

Mở đầu cuộc đối thoại là một loạt câu hỏi của người dân liên quan tới vấn đề quy hoạch đô thị, trong đó nổi cộm là tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án BĐS, hạ tầng không đồng bộ, quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, nhà trẻ, công viên biến thành nhà chia lô, kinh doanh… Thực tiễn này dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai?

Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận, đó là trách nhiệm thuộc về Bộ với những yếu kém trong việc quản lý đô thị. Thực tế là nhiều quy hoạch vẫn có chất lượng thấp, lại thiếu quy hoạch phân khu, nên phát triển chia cắt, riêng rẽ, không kết nối hạ tầng. Quy hoạch đôi khi lại bị điều chỉnh một cách tùy tiện, theo nhu cầu của chủ đầu tư, nên hạ tầng xã hội vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thời gian tới, vấn đề quy hoạch sẽ được chấn chỉnh bằng một nghị định chi tiết.

Về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng cho biết, chiến lược này sẽ hướng tới nhu cầu nhà ở của người nghèo khu đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ, công chức, người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa... Để phù hợp với nhu cầu thực tế, Bộ cũng đang đề xuất giải pháp căn hộ 25 mét để người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nhà ở. Đây là mô hình được áp dụng khá rộng rãi tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Pháp…

Trả lời câu hỏi: Đánh giá của Bộ trưởng về những khó khăn của thị trường BĐS và làm thế nào để các dự án có thể tiếp tục triển khai, chủ đầu tư có thể bàn giao nhà cho người mua. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nhiều dự án khó khăn đã phải bán dưới giá do đang mắc phải sức ép trả nợ lãi vay ngân hàng, vì vậy bên cạnh giải pháp giảm lãi suất cho vay, các giải pháp miễn giảm, giãn thuế, thì các doanh nghiệp cần phải bình tĩnh để tìm ra lối thoát trong khó khăn này.

Trong lúc này, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại doanh nghiệp, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Trong buổi sáng, trên 200 câu hỏi của người dân đã được gửi tới như: Bộ trưởng xử lý như thế nào về vấn đề trượt giá vật liệu xây dựng, vấn đề cải tạo chung cư cũ, đền bù giải phóng mặt bằng, cho thuê nhà, giải quyết vấn đề hàng tồn vật liệu xây dựng...

Do thời gian có hạn nên những câu hỏi chưa được trả lời trong buổi giao lưu sẽ được Bộ trưởng tiếp tục trả lời bằng văn bản và đăng tải trên website Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.


Người viết : admin


Copyright © 2011 CÔNG TY TNHH KIM THIÊN PHÚC